Nhằm thảo luận giải quyết các thách thức trong ngành chăn nuôi và thủy sản, ngày 10/10, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “An toàn sinh học khu vực châu Á” với định hướng “Chú trọng phát triển an toàn sinh học trong chăn nuôi”.
Đây là một trong những nội dung chính của chương trình triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024.
Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” chính là nguyên tắc cốt lõi của an toàn sinh học. Thông thường, người chăn nuôi có xu hướng chờ đến khi dịch bệnh xảy ra thì mới bắt đầu hành động. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiệu quả hơn là chủ động triển khai các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn, kiểm soát, và tiêu diệt các mầm bệnh trước khi chúng có cơ hội tiếp xúc với đàn vật nuôi.
Với định hướng chú trọng phát triển an toàn sinh học trong chăn nuôi, các chuyên gia và lãnh đạo ngành đã chia sẻ những giải pháp khoa học và khả thi về mặt kinh tế, nhằm giúp người chăn nuôi bảo vệ đàn vật nuôi trước các nguy cơ bệnh dịch
Từ đầu năm đến nay, các đợt bùng phát dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi và thuỷ sản, bao gồm dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, bệnh Đốm trắng trên tôm,…Do đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, giúp ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của mọi mầm bệnh. Bên cạnh đó, an toàn sinh học còn giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh, từ đó hạn chế tình trạng kháng thuốc.
“An toàn sinh học trong chăn nuôi và thuỷ sản là cách chúng ta phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh” - Bà Rose Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án (ASEAN), tập đoàn Informa Markets nhấn mạnh.
Từ thực tế này, thông qua hội nghị “An toàn sinh học khu vực châu Á” với định hướng “Chú trọng phát triển an toàn sinh học trong chăn nuôi”, các chuyên gia đầu ngành tập trung chia sẻ các biện pháp toàn diện, có cơ sở khoa học, thiết thực, và khả thi về mặt kinh tế; tích hợp nhiều chiến lược, giúp người nuôi chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của mình khỏi các mầm bệnh đến từ nhiều nguồn khác nhau.
Nhiều giải pháp cung cấp những kiến thức và giải pháp thiết thực để giảm thiểu rủi ro xâm nhập và lây lan dịch bệnh cũng được các chuyên gia, đại biểu trao đổi tại hội thảo như: những sai lầm thường gặp cần tránh trong chăn nuôi; kiến thức thực tiễn để phát triển và triển khai mô hình an toàn sinh học toàn diện; các bước xử lý khi dịch bệnh bùng phát.
Các điểm cần lưu ý trong mô hình chăn nuôi và thủy sản an toàn sinh học, để có thể dễ dàng xác định và xử lý mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi khỏi mọi rủi ro tiềm ẩn về bệnh tật. Xây dựng văn hóa an toàn để tăng cường việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
An toàn sinh học trong chăn nuôi đã trở thành vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Các tổ chức quốc tế đã ban hành tiêu chuẩn cho nhiều loại chăn nuôi như lợn, gia cầm...
Những chia sẻ tại hội nghị không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi trong thời gian tới
Tại Việt Nam, nhiều năm qua công tác triển khai các hoạt động an toàn sinh học được thực hiện trên cơ sở cụ thể hóa Nghị định 106/2024/NĐ-CP hay Quyết định số 713/QĐ-CN-GSN.
Cục Chăn nuôi đã phối hợp các đơn vị xây dựng các sổ tay hướng dẫn về thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm và lợn, với mục tiêu tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Việt Nam cũng đã thành lập Tổ công tác để thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng chuỗi cơ sở chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các tổ chức quốc tế, tuy nhiên thực tế, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Từ khách quan như biến đổi khí hậu, sự bất ổn chính trị trên thế giới, cho đến tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi tại Việt Nam, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn chưa đồng đều…
Cục Chăn nuôi đề xuất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi.
Đồng thời, xây dựng các mô hình an toàn sinh học cho chuỗi chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, triển khai mô hình thí điểm về cấp chứng nhận chuỗi cơ sở an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh với sự phối hợp từ IFC-WB, kết hợp chuyển đổi số trong chăn nuôi giúp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp khoảng 26% GDP của ngành nông nghiệp và hơn 5% GDP của cả nước, với mức tăng trưởng ngành đạt từ 5-6%. Về sản lượng, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chăn nuôi lợn, thứ 4 khu vực ASEAN về sản lượng sữa tươi nguyên liệu; Tỷ lệ giữa chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi tập trung lần lượt là 55% và 45%. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) chỉ chiếm 15% (năm 2023). |